Lượt xem: 348

Để cửa hàng trưng bày, kinh doanh sản phẩm OCOP phát triển lâu dài, hiệu quả

Bên cạnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, việc phát triển các cửa hàng trưng bày, kinh doanh được xem là giải pháp quan trọng trong việc mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm tiềm năng OCOP của tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cần thiết phải có những giải pháp vận hành mang tính lâu dài, bền vững hơn.

 


Tham quan Cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP Năm Kháng


    Nhờ có vị trí thuận lợi khi nằm gần khu vực Chùa Chén kiểu thuộc ấp Đại Thành, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, kể từ khi hoạt động, cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP Năm Kháng luôn thu hút được lượng khách hàng khá đông đến từ các tỉnh lân cận. Vào những ngày cuối tuần, lượng khách tham quan, viếng chùa đông, doanh thu bán sản phẩm tại cửa hàng cũng theo đó tăng từ 2 đến 3 lần so với các ngày trong tuần. Mặc dù kinh doanh hơn 50 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và nhiều sản phẩm đặc sản khác, nhưng lượng hàng hóa được trưng bày hiện vẫn còn khá hạn chế so với nhu cầu tiêu dùng của khách tham quan. Ông Võ Văn Kháng - Chủ Cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP Năm Kháng, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Cái khó ở đây là vì cửa hàng mình đứng tên một cá nhân, hoạt động theo hình thức tư nhân nên việc kêu gọi, kết nối với các chủ thể là rất khó. Tôi cũng mong muốn được các ngành hỗ trợ để mang nhiều sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu. Qua đó, khách tham quan, du lịch có thể biết nhiều hơn về sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng khác của Sóc Trăng”.

    Sau hơn một năm vận hành, cửa hàng trưng bày, mua bán sản phẩm OCOP do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị thành lập đã tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh, nhiều chủ thể OCOP tại địa phương có thêm cơ hội để giới thiệu, quảng bá về sản phẩm do cơ sở mình sản xuất. Dù vậy, do phần lớn các sản phẩm đều được chế biến từ nông sản nên còn phụ thuộc nhiều vào thời vụ, quy mô sản xuất của nhiều chủ thể còn hạn chế nên khó đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với các đơn đặt hàng lớn từ các đơn vị thuộc tỉnh, thành khác khi đến công tác tại địa phương. Đồng chí Trần Trang Nhã – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị chia sẻ thêm: “Đối với những khó khăn này, về phía huyện hiện cũng đang tập trung các nguồn lực, đồng thời đề xuất với các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ để các chủ thể có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị đối với các hợp tác xã, các chủ doanh nghiệp với nhau. Ngoài ra, cũng đề xuất thêm với các ngành liên quan xem xét, hỗ trợ nguồn vốn để hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ mới nhằm giúp người sản xuất đảm bảo làm ra được sản phẩm đồng nhất, chất lượng để cung ứng cho thị trường”.

    Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển được 8 của hàng trưng bày, kinh doanh sản phẩm OCOP. Con số này còn khá khiêm tốn so với số lượng sản phẩm OCOP đạt chuẩn. Để vừa mở rộng được nhiều hơn các chuỗi cửa hàng, vừa đảm bảo các cửa hàng vận hành hiệu quả, lâu dài, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã và đang định hướng hỗ trợ, phát triển các cửa hàng OCOP theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển tại những cửa hàng có vị trí, địa điểm thuận lợi; khuyến khích cải tiến về mặt chất lượng, bao bì, mẫu mã để tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng; từng bước để sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị phần hàng hóa ở nông thôn. Đồng chí Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Thời gian qua Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã hỗ trợ hình thành nhiều cửa hàng trưng bày, kinh doanh sản phẩm OCOP. Tuy nhiên cần nhìn nhận là những cửa hàng OCOP gắn liền với trạm dừng chân hay những nơi khách đến tham quan nhiều thì sức tiêu thụ luôn tốt hơn so với các cửa hàng khác. Nên sắp tới sẽ tập trung hỗ trợ cho cửa hàng gần điểm tham quan du lịch hay các trục đường chính. Bên cạnh đó là hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã cho đẹp hơn, bắt mắt hơn, quan trọng là làm thế nào để giảm giá thành thấp nhất có thể để cải thiện được doanh thu…”.

    Có thể thấy, sự hạn chế về vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến sản phẩm, sự đầu tư còn thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất hay sự thiếu kết nối giữa chủ thể OCOP và chủ cửa hàng... đang là những yếu tố chính gây cản trở cho việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh. Do đó, những định hướng bài bản hơn phù hợp với tình hình thực tế mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh đang hướng đến sẽ góp phần thiết lập tốt việc vận hành của các chuỗi cửa hàng mang tính chất “mở đường” để trong tương lai gần, Sóc Trăng không chỉ được biết đến là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn là địa phương làm tốt công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, củng cố lòng tin của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đối với một trong những chương trình được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 84
  • Hôm nay: 376
  • Trong tuần: 70,803
  • Tất cả: 11,802,810